Monthly Archives: Tháng Ba 2012

Người nhấn nút

Người nhấn nút có thể hiểu như một người bóp cò, một người nhấn nút enter cho một việc gì đấy bắt đầu hay kết thúc. Một người tái tạo…

Người nhấn nút có thể là một anh phu hồ nhấn nút cái thang tời chạy lên xuống tòa cao ốc đang xây dựng cao 300 m. Anh ấy chỉ nhấn nút để đưa mọi người lên cao 300 m và đưa mọi người xuống mặt đất ở code 00.000

Người nhấn nút có thể là một anh xe ôm nhấn nút chiếc xe máy chở mọi người dọc ngang thành phố nhỏ bé để tìm một con đường. Người nhấn nút enter để show một điều gì đấy với thế giới ngoài kia.

Ai cũng là người nhấn nút cả. Buổi sáng, nhấn nút bếp ga nấu cafe, nhấn nút cpu làm việc, nhấn nút cái điện thoại để gửi đi vài tin nhắn, nhấn nút tắt đèn hay bật cái lò sưởi. Chúa cũng hay làm công việc nhấn nút khi ngài ngồi trên kia quan sát thế giới năm châu nhấn nút.

Đôi khi nhấn nút vì một thói quen giống người chơi piano trên mặt bàn. Nhấn nút khoảng không và hình dung ra những giai điệu của riêng mình. Nhiều đêm tôi cứ đi trên phố và nhấn nút vào khoảng không trước mặt để tạo ra những giai điệu của riêng tôi. Nhấn nút để show những nỗi buồn. Chúng ta mãi mãi là những người nhấn nút.

– lại tưởng nhớ zân chơi nhấn nút Ennio Morricone –


Sự mất mát

Tôi nhớ một lần tự nhiên kiếm được ít tiền nổi hứng tìm nhà một thằng em, thằng này cùng quê cũng vào Sài Gòn sống nên đôi khi tôi hay rủ nó đi cafe, nói những chuyện ngày xưa ở Đà Nẵng này nọ. Tôi chỉ định tìm nó rủ đi uống cafe vì khá lâu tôi không gặp, nó giống như một thói quen chứ tôi không hẳn thân thiết. Tôi tìm đến nhà nhưng gọi mãi không ai mở cửa, có đứa trẻ hàng xóm chạy ra nói cả nhà đã về quê rồi. Thế thằng Rốt cũng về àh ? – Tôi hỏi. Nó chết rồi – thằng nhóc hàng xóm trả lời. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi nghe thông báo một người quen chết. Đến giờ tôi vẫn có duy nhất một cảm giác y hệt ban đầu khi nghe tin báo về một người chết. Tôi luôn hỏi mình trong tình huống đấy “Thế là mình không được gặp họ thêm một lần nào nữa ?”

Những người trẻ thường khó chấp nhận sự mất mát hơn những người có tuổi. Hẳn nhiên sự sống đồng nghĩa với sự mất mát, những người có tuổi không còn cảm thấy cực shock khi mất đi một món đồ chơi yêu quý, bình tĩnh hơn trước mọi cái mất từ nhỏ đến đại sự… Hẳn nhiên họ đã là một phần của sự mất mát. Sinh ra để bắt đầu mất thời gian lớn lên, mất thời gian đến trường đọc vẹt từng con chữ, mất thời gian cho học hành, sau đấy mất thời gian để kiếm tiền, lập một gia đình… Đồng nghĩa với việc mất đi nhiều thứ khác. Trong tất cả thời gian mất đi đấy, mọi người cũng mất đi nhiều thứ khác. Và mọi người càng ngày càng tự đánh mất nhiều hơn – thời gian, toan tính, thủ đoạn… Cho những thứ mà rất nhiều khi họ không biết dùng chúng vào việc gì.

Có lẽ cảm giác khi nghe thằng em cùng quê chết lúc 14 tuổi không shock bằng việc chứng kiến con diều yêu quý đứt dây bay đi mất lúc tôi 10 tuổi. Có thể nghe tin một người thân mất không thấy buồn bằng hụt con lô, sự mất mát càng lớn khi tình yêu càng lớn. Đôi khi tôi nghĩ mình đang cố không yêu một cái gì quá vì một tình yêu quá lớn đồng nghĩa với sự chịu đựng lớn và sẽ là một mất mát lớn. Và tôi không chắc mình chịu đựng sự mất mát lớn nên tôi sẽ khiến mọi thứ đều bình thường. Càng đẹp đẽ, nó càng bình thường với tôi, tôi bỏ mặc cảm xúc, bỏ mặc những điều lẽ ra sẽ khiến tôi hạnh phúc chút chút. Nhưng dù sao thì nó cũng sẽ mất đi nên tốt nhất tôi luôn để nó bình thường theo cách bình thường nhất.

Một lần tôi bị ông sửa xe trong xóm đổi phụ tùng trong chiếc xe máy đầu tiên tôi có trong đời. Ông hàng xóm là người tôi rất tin tưởng vì bọn tôi cùng lớn lên từ nhỏ, thực tình tôi tin ông ấy như anh ruột mình. Khi tôi biết ông hàng xóm làm việc đấy tất nhiên tôi hơi xót chiếc xe máy nhưng cũng không phản ứng gì khác. Tôi cũng thấy lạ là tôi đã không phản ứng gì mà còn trả tiền sửa xe và cảm ơn rối rít. Nhiều ngày sau tôi mới thật sự biết là mình đã mất đi cái gì và mới hiểu vì sao lúc lấy xe tôi không phản ứng gì. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy bị phản bội, tôi không phản ứng được vì tôi vừa bị đánh mất một người quen, rất quen. Tôi chỉ trả tiền và cảm ơn một người sửa xe chứ không phải một ông anh hàng xóm lớn lên cùng nhau. Thế rồi ngày càng nhiều lần trong đời tôi bị mất như thế đến khi tôi thấy mình cũng đeck cần phải có niềm tin vào một ai cả và thế là tôi cũng chả còn gì để mất. Hoặc đôi khi tôi làm theo cách ngược lại là cứ tạm xem tất cả thằng sửa xe luôn là bọn ăn cắp. Khi tự nhiên gặp một chú sửa xe đàng hoàng như mới xuất ngũ về tôi lại liệt một thằng khó ưa ra khỏi danh sách thợ sửa xe. Cách này áp dụng để tránh chứng kiến sự mất mát nhiều lần, nhỏ lẻ.

Giống như những cuộc biểu tình mà con người phải đi biểu tình để chống lại những đống cứt là việc không nên làm. Làm sao để những đống cứt hiểu được ? Thật ra khi tham gia biểu tình, người biểu tình phải có niềm tin được thay đổi từ sự phản kháng nhỏ bé của họ. Đấy là lý do để biểu tình. Vì thế không thể có lý do biểu tình phản đối những đống cứt bớt thối được, tuyệt đối không.

Sinh ra để mất mát .


Bà tôi

Bốn giờ sáng , đội khiêng quan tài kéo đến . Ông Công vào nhà trong trang điểm rồi gọi ba tôi vào hỏi chuyện đời bà tôi.

18 tuổi , bà tôi trả lễ nhà khác để đi lấy ông tôi . Ba tôi được 2 tháng tuổi thì ông nội theo cách mạng tập kết ra bắc . Ông nội con nhà địa chủ , cha ông làm quan thông ngôn cho toàn quyền Đông Dương ở Sài gòn . Đến hưu ông về quê mua đất làm ruộng. Ông mất sớm , anh em ông nội tôi theo cách mạng li tán khắp nơi .

Ông nội tôi phấn đấu mãi cũng được vào đảng , ông xuất thân địa chủ, cách mạng chỉ cho ông làm tổ trưởng sản xuất ở nông trường . Ông cưới vợ làm ở nông trường .Đường về nhà với ông cũng mờ mịt hơn .

Bà tôi đi mua ở chợ làng ra chợ tỉnh bán nuôi ba tôi đi học . Cách mạng nhờ bà đổi đôla lấy tiền cộng hòa mua vũ khí , lương thực . Bà bị lính cộng hòa bắt , thu của bà 2000 cây vàng bà dấu trong mấy quả bầu trên đường gánh về thành phố. Chúng bỏ tù bà , đánh đập tra khảo bà đủ đường .
Giải phóng xong bà được thả về , bà bán từ vật dụng trong nhà gom góp tiền ra bắc tìm ông tôi . Chiến tranh bà mặc kệ , loạn lạc bà mặc kệ . Bà cứ đi hết nơi này đến nơi khác tìm cho được ông tôi mang về .Bà mang chồng , con chồng , vợ chồng về cả trong nam . Ai nói gì bà cũng mặc kệ , Bà chỉ muốn ba tôi có cha , bà được chăm sóc chồng sau hai mươi năm bà một mình sống .

Bà lại ra chợ làng mua gạo lên chợ tỉnh bán nuôi mười mấy đứa con rồi nuôi luôn anh em nhà chồng sau giải phóng quay về . Bà nuôi mấy chục người bằng gánh gạo con con .

Bọn tôi ra đời , ba mẹ tôi lại không thuận hòa mà li tán . Bà nhận nuôi tôi . Lúc nào tôi thấy bà cũng ngồi tính , bà tính tiền gạo , tiền thịt , tiền cho tôi đi học . Tôi gầy còm lại hay ốm sốt , bà chăm tôi bữa cháo , xoa đầu kể chuyện đời bà cho tôi ngủ . Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bà tôi khóc , bà không cho ai thấy những lúc bà yếu lòng . Chỉ tính sao cho no bụng đám con cháu thì cũng hết đời bà .

Biết bà yếu , cả nhà con cháu kéo về ăn tết với bà . Sau tết bà đi , trước khi đi bà gửi tiền cho chú thím tôi lo hậu sự cho bà , bà gửi cả tiền mừng đám cưới trước cho tôi .

Ông công đọc bài tế đưa bà đi , con cháu trong nhà , hàng xóm ai cũng khóc duy nhất tôi thì không . Lúc chôn bà tôi dẫm cái mảnh chai chảy máu . Máu vấy đỏ cả quần áo tang , người nhà nói tôi bị phạt vì không khóc bà . Tôi thì cười tiễn bà tôi đi .