Monthly Archives: Tháng Một 2010

Nghề

Tạm gác lại mấy chuyện vẩn vơ để suy nghĩ một chút về nghề. Cũng bởi kiếm cơm bằng cái nghề vẽ nhà đã lâu mà chưa mấy khi suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Hôm nay nhân ngày mưa gió não lòng, tạm gác chuột vẽ mà dùng bàn phím viết.

1. Cái tâm

Cái tâm của nghề dọn rác là dọn sạch rác, cái tâm của con đĩ là làm cho khách chơi được thỏa mãn, cái tâm của nghề giáo viên là đào tạo ra những con người giỏi, cái tâm của nghề làm quan là lo được cho dân cho nước… Cái tâm của thằng làm Kiến trúc là gì ? Tạm nói là tạo ra công trình đẹp.

Quan sát mấy nghề trên trong xã hội hiện tại mà kết luận thì thấy người dọn rác vẫn là có tâm nhất. Cũng đơn giản là cái mục tiêu nghề nghiệp nó trực quan và gần gũi nhất. Rác thì lúc nào cũng có, dọn sạch đống này thì lại có đống khác. Người càng có tâm với nghề thì lại càng hay mắc bệnh nghề nghiệp, nên người dọn rác yêu nghề lúc nào đi đường cũng chỉ nhìn mỗi rác. Cũng bởi vì rác là thứ dễ phân loại nhất. Nó là một đống phế thải tập hợp từ tất cả các hàng hóa tiêu dùng thải ra. Có hôm đi về nhà thấy  tờ giấy thông báo dán trước cổng có nội dung “Để thực hiện nếp sống văn minh, cty abc yêu cầu các hộ dân đổ rác từ lúc 17g30-21g30 hằng ngày” . Đọc xong tờ giấy thấy hơi buồn vì theo một cách hiểu nào đấy thì họ đang nhắc mình về “nếp sống văn minh”. Nhưng lại thấy vui vì những người dọn rác này có tâm quá. Họ cất công design cái tờ giấy rất nghiêm túc rồi đi từng nhà một dán nó chỉ để nhắc nhở mọi người đừng vứt rác vào các giờ mà họ không có khả năng dọn dẹp. Rất là có tâm !

Tôi lại nghĩ đến cái nghề là kiến trúc của tôi một tí, nếu tôi là một người dọn rác thì cũng có thể một ngày nào đấy tôi sẽ dọn nhầm vài cái công trình vì không phân biệt được đâu là rác, đâu là nhà vì suy cho cùng mấy cái mà tôi nhầm là rác thì nó đúng là rác theo cái định nghĩa về rác của tôi.

Thế nào là đẹp cho đúng với cái tâm ?! Cái này bàn có khi cả đời không hết nên cứ tạm dừng lại ở giới hạn sạch. Ai ở Hà Nội cũng biết cái bệnh phô trương của tuyệt đại đa số người Hà Nội, tôi chỉ xin dừng lại ở việc quan niệm về một cái nhà “hoành tráng” của tuyệt đại đa số người Hà Nội. Họ thích Pháp, thích nhà Pháp, chính xác là cái nhà giống giống kiểu Pháp. Tôi quan sát trong mấy năm làm nghề mới dám khẳng định là tuyệt đại đa số người Hà Nội rất thích bị đô hộ. Họ tình nguyện để bị đô hộ văn hóa  vì cho rằng như thế mới sang, mới hoành tráng. Từ anh bác sỹ đến anh phu xe, từ anh tốt nghiệp trường kiến trúc đến bác thợ xây đều rất thích kiểu Pháp. Họ làm kiểu Pháp cho biệt thự, kiểu Pháp cho nhà ống, kiểu Pháp cho cao ốc, kiểu Pháp cho chung cư… Đau thương hơn, bây giờ về Đà Nẵng quê tôi cũng có rất nhiều cái kiểu Pháp mọc lên mà chủ nhân của nó tất nhiên là người miền bắc  có tiền, có quyền và không có văn hóa. Nực cười hơn là cái cách mà họ nghĩ về “kiểu Pháp” đấy là một căn nhà có mái dốc được đắp nổi rất nhiều chi tiết “tây tây”. Họ không cần biết vì sao nó đắp nổi, họ không cần biết vì sao có vòm, họ không cần biết ở tỷ lệ nào thì đẹp, họ không cần biết vì sao họ làm thế .

Kiến trúc sư trưởng Hà Nội một thời và bây giờ Chủ tịch thành phố này tất nhiên cũng là người yêu thích “kiểu Pháp” nên thủ đô Việt Nam cứ thế sẽ thành một Paris của châu á trong vài năm tới.

Nếu một kiến trúc sư có “tâm” biến Việt Nam này thành “Pháp” thì con đường họ đi quả là thênh thang, sự nghiệp lẫy lừng đang chờ họ. Nếu ai đấy mong muốn khác đi, mong muốn  bắt đầu tạo ra những thứ sạch sẽ và bắt đầu được sáng tạo cho đúng với bản chất của nghề thì hãy bắt đầu làm công việc của người dọn rác. Đủ bản lĩnh để từ chối một hợp đồng “kiểu Pháp”, đủ lý lẽ để phun vào mặt bọn thích “kiểu Pháp” rằng hãy sống trong một chuồng lợn còn tốt hơn cho chúng. Và cứ thẳng tay chùi đít bằng các bản vẽ kiểu Pháp mặc dù hơi rát một tí (bản vẽ thì nhiều lắm, chùi đít cả đời chắc không hết). Có hôm ngồi với một Kts Pháp xịn hành nghề thiết kế “kiểu Pháp” ở Hà Nội tôi có hỏi một câu.

_ Làm ở VN chắc kiếm ngon nhỉ ?

_ Đương nhiên rồi, tao chỉ cần xin mấy cái bản vẽ cũ của bảo tàng về lịch sử kiến trúc thuộc địa sau đấy dùng lệnh scale (lệnh phóng to thu nhỏ) lệnh Strech (lệnh kéo co giãn) lệnh copy là lấy tiền thôi… Đấy là lời tự bạch về nghề của một kts Pháp đang ăn nên làm ra ở Hn.

2. Kiếm tiền

Hôm gặp lại ông bạn đồng nghiệp cũng ghét “kiểu Pháp”, lâu ngày gặp nhau mới biết ông đã có vợ và có con vài tháng. Ông hí hửng khoe mấy công trình “kiểu Pháp” đang xây mà ông làm tác giả. Ông tâm sự :

Lúc mới cưới còn sống được, nhưng ngày có con thì không đủ tiền mua sữa cho con, vợ không cằn nhằn nhưng ông tự thấy ông có trách nhiệm nên bắt đầu làm “kiểu Pháp”

Và tôi biết rất nhiều kts dấn thân “kiểu Pháp” tương tự như ông trên rồi tự nghĩ về mình. Biết đâu khi chẳng may tôi lấy được vợ, chẳng may tôi nghe con tôi khóc vì thiếu sữa tôi có hành nghề “kiểu Pháp” như họ hay không ???

Cân nhắc mọi lẽ, mọi khả năng để tôi tạm quyết định cho tương lai của con tôi rằng : Nó sẽ lớn lên bằng tiền chạy xe ôm hay tiền kiếm được nhờ buôn bán của bố, nó không thể lớn lên bằng sữa mua từ tiền làm “kiểu Pháp” mà bố nó phải cúi gằm mặt xuống để làm. Con có thể gầy hơn bọn cùng thời “kiểu Pháp” một chút vì bố nghèo chứ con không thể béo vô hồn và ngu si như  “kiểu Pháp”.